Môi Trường

Xử lý nước thải chế biến tinh bột sắn

Đăng bởi FRESHLAB - 10:55 13/09/2024

Theo số liệu thống kê, hàng năm ngành tinh bột sắn thải ra môi trường khoảng 240 – 300 triệu m3 nước thải/ năm. Nước thải chế biến tinh bột sắn bao gồm các thành phần hữu cơ như tinh bột, protein, xenlulozo, pectin, đường có trong nguyên liệu củ sắn tươi là nguyên nhân gây ô nhiễm cao cho dòng nước thải của nhà máy sản xuất tinh bột sắn.

Nguồn gốc của nước thải tinh bột sắn

Căn cứ vào quy trình chế biến bột sắn, có thể chia nước thải thành 2 dòng:

Dòng thải 1: là nước thải sau khi phun vào guồng rửa sắn củ để loại bỏ các chất bẩn và vỏ ngoài củ sắn. Loại nước thải này có lưu lượng thấp (khoảng 2m3 nước thải/ tấn sắn củ), chủ yếu chứa các chất có thể sa lắng nhanh (vỏ sắn, đất, cát,…). Do vậy nước thải loại này có thể qua song chắn , để lắng rồi quay vòng nước ở giai đoạn rửa. Phần bị giữ lại ở song chắn (vỏ sắn) sau khi phơi khô được làm nhiên liệu chất đốt tại các gia đình sản xuất.

Xử lý nước thải tinh bột sắn khoai mì
Hình 1. Sơ chế nguyên liệu

Dòng thải 2: là nước thải ra trong quá trình lọc sắn, loại nước thải này có lưu lượng lớn (10m3 nước thải/ tấn sắn củ), có hàm lượng chất hữu cơ cao, hàm lượng chất lơ lửng cao, pH thấp, hàm lượng xianua cao, mùi chua, màu trắng đục. Các thông số này được thể hiện qua hàm lượng chất rắn lơ lửng SS, các chất dinh dưỡng chứa N,P, các chỉ số về nhu cầu oxi sinh học BOD, nhu cầu hóa học COD,…với nồng độ rất cao.

Nhà máy Tinh bột sắn Sơn La: Đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất
Hình 2. Chế biến tinh bột sắn

Nước thải tinh bột sắn gây hại cho môi trường như thế nào?

Độ pH

Độ pH của nước thải quá thấp sẽ làm mất khả năng tự làm sạch của nguồn nước tiếp nhận do các vi sinh vật có tự nhiên trong nước kiềm hãm phát triển. Ngoài ra, khi nước thải có tính axit sẽ có tính ăn mòn, làm mất cân bằng trao đổi chất tế bào, ức chế sự phát triển bình thường của quá trình sống.

Hàm lượng chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học

Nước thải tinh bột mì có hàm lượng chất hữu cơ cao, khi xả vào nguồn nước sẽ gây suy giảm nồng độ oxi hòa tan trong nước do vi sinh vật sử dụng oxi hòa tan để phân hủy các chất hữu cơ. Nồng độ oxi dưới 50% bão hòa có khả năng gây ảnh hưởng đến sữ phát triển của tôm cá. Oxi hòa tan giảm không chỉ làm suy kiệt nguồn tài nguyên thủy hải sản mà còn làm giảm đi khả năng tự làm sạch của nguồn nước, ảnh hưởng đến chất lượng nước cấp cho sinh hoạt và công nghiệp

BOD5 liên quan đến việc xác định mức độ ô nhiểm của thành phần có khả năng phân hủy sinh học trong nước thải và COD cho biết mức độ ô nhiễm các chất hữu cơ và vô cơ chứa trong nước thải công nghiệp. Sự ô nhiễm các chất hữu cơ dẫn đến sự suy giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước. Oxi hòa tan giảm sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ thủy sinh, đặc biệt là hệ vi sinh vật. Khi xảy ra hiện tượng phân hủy yếm khí với hàm lượng BOD5 quá cao sẽ gây mùi thối cho nguồn nước và giết chết hệ thủy sinh, gây ô nhiễm không khí xung quanh và phát tán trên phạm vi rộng theo chiều gió.

Hàm lượng chất lơ lửng cao

Các chất rắn lơ lửng làm cho nước đục hoặc có màu, không những làm mất đi vẻ mỹ quan mà còn làm giảm tầng sâu nước được chiếu sáng, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của thực vật thủy sinh. Phần khác, khi cặn lắng xuống dưới đáy nước sẽ gây ra hiện tượng phân hủy kỵ khí, gây mùi hôi thối.

Hàm lượng chất dinh dưỡng cao

Nồng độ các chất N,P trong nước cao sẽ gây ra hiện tượng phú nhưỡng hóa nguồn nước, ảnh hưởng đến các thủy sinh vật trong nguồn nước, có tác động tiêu cực đến du lịch và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp.

Ngoài ra amonia rất độc đối với tôm, cá dù nồng độ rất nhỏ. Nồng độ làm chết tôm, cá từ 1,2-3mg/l nên tiêu chuẩn chất lượng nước nuôi trồng thủy hải sản của nhiều quốc gia yêu cầu nồng độ amonia không vượt quá 1mg/l.

Xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học

Nước thải tinh bột mì có hàm lượng chất hữu cơ rất cao, hàm lượng chất rắn lơ lửng lớn, với đặc trưng nước thải như vậy nên sử dụng phương pháp yếm khí để xử lý. Tuy nhiên dòng thải sau khi sử lý yếm khí cần được sử lý bằng phương pháp hiếu khí…để đạt QCVN trước khi ra nguồn tiếp nhận.

Bể Biogas:

Nước thải chế biến tinh bột mì sẽ được dẫn xuống hầm Biogas, để xử lý các hợp chất hữu cơ với nồng độ ô nhiễm cao giảm bớt áp lực cho các công trình phía sau. Tại đây, các vi sinh vật kỵ khí sẽ phân giải các chất hữu cơ có trong nước thải thành các chất vô cơ đơn giản như CH4, CO2, H2S. Ở quá trình này khí biogas được thu hồi để làm nhiên liệu đốt khuôn, chạy lò hơi, đun nấu, phát điện.

Chất hữu cơ →CH4 + CO2 +H2 + NH3 + H2S + tế bào mới

Khi khởi động lại hệ thống, chúng ta có thể bổ sung vi sinh kỵ khí cho bể biogas để tăng số lượng vi sinh kỵ khí. Giảm COD, BOD, TSS của nước thải có nồng độ COD cao. Tăng cường sự ổn định của hệ thống kỵ khí và lượng khí metan.

Bể Anoxic:

Nước thải sau khi được điều hòa về lưu lượng, nồng độ chất thải được bơm với lưu lượng ổn định vào bể thiếu khí. Tại đây, diễn ra quá trình khử Nito thành NO3 thành Nito dạng khí được thực hiện nhằm đạt chỉ tiêu cho phép của Nitơ.

Quá trình sinh học khử nito liên quan đến quá trình oxy hóa sinh học của nhiều chất hữu cơ có trong nước thải sử dụng NO3- hoặc NO2- như chất nhận điện tử thay vì dùng oxy, trong điều kiện không có oxi hoặc DO giới hạn ( nhỏ hơn 2mg/l).

Quá trình này thực hiện bởi nhóm vi khuẩn nitrat chiểm khoảng 70-80% khối lượng vi khuẩn (bùn hoạt tính). Tốc độ khử nito dao động từ khoảng 0,04 đến 0,42g N-NO3-/g MLVSS. ngày, tỷ lệ F/M càng lớn thì tốc độ khử càng cao.

Trong bể có bố trí thiết bị khuấy trộn chìm nhằm tăng khả năng tiếp xúc của bùn vi sinh với nước thải, từ đó làm tăng hiệu quả xử lý.

NO3 → NO2 → NO → N2O (g) → N2

Khi khởi động lại hệ thống cần bổ sung thêm vi sinh EWT AM-102 để thúc đẩy quá trình xử lý Nito trong bể thiếu khí

Bể Aeroten:

Nước thải sau khi xử lý yếm khí được dẫn vào “Bể Aerotank” để xử lý triệt để các chất hữu cơ. Tại bể aerotank diễn ra quá trình sinh học hiếu khí nhờ hệ thống vi sinh vật được duy trì từ máy thổi khí. Lượng khí cung cấp vào bể với mục đích: cung cấp oxy cho vi sinh vật hiếu khí chuyển hóa chất hữu cơ hòa tan thành nước và CO2. Xáo trộn đều nước thải và bùn hoạt tính tạo điều kiện để vi sinh vật tiếp xúc tốt với các cơ chất cần xử lý. Giải phóng các khí ức chế quá trình sống của vi sinh vật, các khí này sinh ra trong quá trình vi sinh vật phân giải các chất ô nhiễm.Tác động tích cực đến quá trình sinh sản của vi sinh vật. Quá trình hiếu khí dựa trên nguyên tắc là vi sinh vật hiếu khí phân hủy các chất hữu cơ trong điều kiện có oxy hòa tan theo phương trình sau:

Tại đây các vi sinh vật hiếu khí (bùn hoạt tính) sẽ phân hủy các chất hữu cơ còn lại trong nước thải thành các chất vô cơ đơn giản như CO2, H2O,…

Chất hữu cơ + O2 + dinh dưỡng → CO2 + NH3 + C5H7NO2 + sản phẩm khác

Ngoài việc phân hủy các chất hữu cơ để tạo ra tế bào mới, vi sinh vật còn thực hiện quá trình hô hấp nội sinh để tạo ra năng lượng theo phương trình:

C5H7NO2 + 5O2 → 5CO2 + 2H2O + NH3 + ΔH

Khi khởi động lại hệ thống cần bổ sung thêm vi sinh hiếu khí EWT IND-106 và EWT AM-102 để bổ sung vào hệ thống hiếu khí

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI KỸ THUẬT FRESHLAB

Địa chỉ: Số A12/85 Đường 1A, Ấp 1, Xã Vĩnh Lộc B, Huyện Bình Chánh, TP. HCM

Hotline: 0939 557 155– 0932 993 977 – 0796 155 955 – 0789 377 177 – 0931 791 133

Email: info@mtvinhtam.com

Fanpage: FRESHLAB- GIẢI PHÁP VI SINH XỬ LÝ NƯỚC THẢI

Youtube: FRESHLAB VIỆT NAM